Các loại bánh dân gian này dù ngon nhưng ăn nhiều sẽ hại sức khỏe.
Bánh chưng/ bánh tét
Bánh chưng là loại bánh rất giàu năng lượng, không những vậy lại có mùi vị và hình thức hấp dẫn. Ngày Tết thật khó lòng mà từ chối được những miếng bánh chưng “thơm phưng phức” này. Tuy nhiên, ẩn chứa trong món ngon này là cả một nguồn năng lượng lớn (trên 200kcal/100g), cung cấp cả chất đạm động vật (thịt), thực vật (đậu xanh) và nhiều chất béo ảnh hưởng xấu tới tim mạch. Bánh chưng có nhiều chất béo, ít có lợi cho sức khỏe, nhất là ở bệnh nhân suy thận, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và ở bệnh nhân có hội chứng thận hư có tăng mỡ máu. Những người thừa cân chỉ nên ăn ít bánh chưng vì loại bánh này rất giàu năng lượng, nhiều tinh bột.
Khi ăn bánh chưng, tốt nhất ăn cùng rau xanh, dưa góp. Những người mắc bệnh mãn tính, tùy theo loại bệnh mà nên kiêng ăn các kiểu bánh chưng: Ngươi bị bệnh tiểu đường không nên ăn bánh chưng ngọt, người bị chứng nhiễm mỡ máu không nên ăn bánh chưng mặn, người chức năng tỳ vị không tốt không nên ăn bánh chưng nguội.
Bánh nướng, bánh dẻo
Trong bánh trung thu chứa rất nhiều đường, trừ một vài loại dành cho người ăn kiêng. Nếu chỉ tính sơ sơ, trong một cái bánh dẻo nhân đậu xanh một trứng chứa 807kcal (năng lượng bằng hai tô bún thịt nướng), 11g đạm, 11,5g chất béo, 158g bột đường. Còn trong một cái bánh nướng 250g thập cẩm hai trứng cung cấp 1.095kcal (năng lượng bằng hai tô phở), 33g đạm, 46,6g béo và 104g bột đường.
Lượng bột đường của một bánh dẻo gần bằng bốn bát cơm, còn bánh nướng bằng 2,5 bát cơm, lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh, dễ dàng gây tăng đường huyết áp. Nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến tiểu đường. Không những vậy, khi ăn một miếng bánh vào lúc đói, đường huyết tăng lên sẽ làm chúng ta mất cảm giác thèm ăn trong bữa chính, gây chán ăn, làm suy dinh dưỡng.Xét về dinh dưỡng, bánh trung thu không có nhiều giá trị do thành phần không cân đối giữa bột, đạm và rau xanh. Thưởng thức bánh trung thu ngày nay hầu hết là vì những giá trị văn hóa mà chúng ta muốn lưu giữ.
Để sử dụng bánh trung thu an toàn, trước hết phải chọn loại bánh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Do bánh chứa khá nhiều loại nguyên liệu phối trộn lại, nếu không đảm bảo vệ sinh lúc chế biến thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Khâu bảo quản cũng khá quan trọng, có nhiều loại dù còn hạn sử dụng vẫn bị hư nếu bọc không kín hay để lâu ngoài ánh nắng… Ăn bánh cũng khó tiêu do nhiều chất béo, chất đạm động vật, vì vậy chỉ nên ăn một chút thôi nhé!
Bánh đúc
Bánh đúc là món quà vặt có từ thời xa xưa. Bánh làm từ bột gạo và lạc, khi ăn có cảm giác mát, ngậy và có tác dụng chống đói hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay bánh đúc là loại thực phẩm đường phố ít an toàn hơn cả. Rất nhiều cơ sở sản xuất bánh đúc đã bị phát hiện sử dụng hàn the làm cho bánh ngon hơn và bảo quản được lâu. Theo các chuyên gia về thực phẩm, việc dùng nhiều hàn the trong thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc cấp và mạn tính, gây tác hại đặc biệt nghiêm trọng đối với thai nhi và trẻ em.
Với hệ tiêu hóa, ngộ độc hàn the sẽ gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loạn chức năng.
Không những vậy, nhiều cửa hàng bán bánh đúc thường không được bảo quản sạch sẽ, bánh được bày trong mẹt, dùng tay để bốc bánh mà không có dụng cụ riêng, không che đậy bánh cẩn thận. Bánh đúc do vậy dễ mắc vi khuẩn gây hại cho sức khỏe, nhất là đường tiêu hóa.
Các loại bánh dân gian thơm ngon là thế, nhưng hãy lưu ý ăn vừa phải và chọn nguồn cung cấp thực phẩm đảm bảo bạn nhé!
0 Nhận xét